Thủ tướng Chính phủ chủ trì toạ đàm với doanh nghiệp về phát triển kinh tế tư nhân
Sáng 31/5/2025, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc Tọa đàm với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Dự tọa đàm tại trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Tọa đàm diễn ra theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã.
Dự tọa đàm tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở ban ngành và đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Các đại biểu dự Tọa đàm tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Mở đầu Tọa đàm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã công bố Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 30/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tiếp đó, trình bày báo cáo về tình hình phát triển kinh tế tư nhân, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết: Nghị quyết 68/NQ-TW đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ, bảo đảm bám sát 3 đột phá chiến lược (về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng) và trong tổng thể 4 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị mà Tổng bí thư đã kết luận là "Bộ tứ trụ cột". Hiện nay, cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh hoạt động trong nền kinh tế, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xoá đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.
Trong chương trình Tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp bày tỏ vui mừng, tin tưởng và kỳ vọng đối với sự ra đời của Nghị quyết số 68 và khẳng định, đây là bước đi thể hiện tầm nhìn chiến lược, đặt kinh tế tư nhân vào vị trí xứng đáng, mở ra con đường mới cho doanh nghiệp dấn thân, khát vọng, góp phần phát huy trí tuệ, nâng cao vị thế Việt Nam. Các doanh nghiệp và bộ ngành liên quan đã trao đổi, làm rõ những tồn tại, hạn chế và những yêu cầu, bối cảnh mới và giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn tới, như: cắt giảm thủ tục hành chính, có cơ chế chính sách rõ ràng để cho doanh nghiệp được tiếp cận những nguồn lực mạnh mẽ, tạo thuận tiện cho doanh nghiệp phát triển; tạo các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ưu tiên doanh nghiệp tư nhân có năng lực nghiên cứu, ứng dụng; xây dựng và ban hành cơ chế hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa khối tư và khối công…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi Tọa đàm.
Nguồn: Chinhphu.vn
Kết luận buổi tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân đã được ban hành rất đồng bộ, đầy đủ và có tầm nhìn chiến lược. Vấn đề cốt lõi hiện nay là tổ chức thực hiện thật tốt, thật hiệu quả, với tinh thần “nghĩ sâu, làm lớn”, phát huy tối đa tiềm năng của gần 1 triệu DN và 5 triệu hộ kinh doanh, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh 7 nhóm định hướng lớn cần tập trung triển khai bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó cần nhanh chóng cụ thể hóa các nghị quyết bằng chiến lược, quy hoạch và cơ chế ưu tiên phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Chính sách phải nhất quán, công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tạo đột phá về kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và thủ tục hành chính. Theo đó, cần tăng cường đầu tư cho hạ tầng chiến lược, phát triển các khu đô thị, dịch vụ hiện đại; thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược: về thể chế; về hạ tầng; về nguồn nhân lực; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm nền tảng quan trọng để kinh tế phát triển. Đồng thời, cần đảm bảo chủ quyền lãnh thổ, ổn định chính trị, an toàn xã hội; đảm bảo tiếp cận bình đẳng vốn, tài nguyên nguồn nhân lực, quyền lợi của doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng đề nghị các ngành, các cấp tăng cường đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp; thường xuyên lắng nghe, đối thoại, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải, nhất là về tín dụng, đất đai, thuế và phí; cải thiện chính sách tài khóa, tiền tệ và các cơ chế liên quan; thúc đẩy hợp tác, liên kết trong và ngoài nước, trong đó cần khuyến khích sự liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng đề nghị cần xác định rõ vai trò của Nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân trong quá trình triển khai nghị quyết. Mỗi chủ thể đều cần chủ động hành động vì mục tiêu chung phát triển đất nước. Đặc biệt, cần phát động Phong trào “Toàn dân làm giàu hợp pháp”, huy động mọi nguồn lực xã hội, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, để kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng./.
Theo nguồn langson.gov.vn