Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày Khí tượng Thế giới 23/3: Nâng cao nhận thức để hành động chính xác

Kể từ năm 1961 đến nay, ngày 23/3 hằng năm, các quốc gia cùng kỷ niệm Ngày Khí tượng Thế giới. Ngoài ý nghĩa kỷ niệm ngày bản Công ước thành lập Tổ chức Khí tượng thế giới có hiệu lực (23/3/1950), đây còn là dịp để tôn vinh những đóng góp của các Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia đối với công tác bảo vệ tính mạng và tài sản của con người.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Khí tượng thế giới 2015, Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bình Minh, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu xung quanh vấn đề này.
* Thưa bà, chủ đề của Ngày Khí tượng thế giới năm nay là “Khí hậu: Nhận thức để hành động” được cho là rất phù hợp với tình hình hiện nay, khi mà cộng đồng thế giới đang hướng tới những quyết định và hành động quyết liệt để ứng phó với biến đổi khí hậu. Bà đánh giá như thế nào về nhận định này?
- Chính xác. Điều đó được khẳng định rất rõ trong Thông điệp ông M.Jarraud - Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nhân ngày Khí tượng thế giới năm nay. Ông cho rằng: Kiến thức về khí hậu tích lũy trong các thập kỉ vừa qua là nguồn tài nguyên vô giá và là điều kiện tiên quyết để các cơ quan chức năng ra những quyết định và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các bằng chứng như nhiệt độ tăng, băng tan, nước biển dâng hay các hiện tượng thời tiết cực đoan củng cố kết luận rằng khí hậu đang biến đổi và các hoạt động của con người làm cho lượng phát thải khí nhà kính ngày càng tăng qua mỗi năm, là nguyên nhân chính của sự biến đổi này.
Khoa học cũng giúp chúng ta tin tưởng rằng vẫn còn cơ hội để thay đổi và giảm nhẹ biến đổi khí hậu xuống mức chấp nhận được. Giờ đây, rất ít người còn nghi ngờ các bằng chứng về biến đổi khí hậu và trách nhiệm lịch sử của chúng ta đối với các thế hệ tương lai. Kiến thức khí hậu sẽ giúp chúng ta nắm bắt và thực hiện các cơ hội này, bằng cách hỗ trợ các nhà quản lý đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.
* Trong thông điệp nhân Ngày Khí tượng Thế giới năm nay, ông Tổng Thư ký WMO cho rằng, thông tin về thời tiết, khí hậu - từ các bản tin dự báo thời tiết hằng ngày đến các dự báo khí hậu theo mùa - đã gắn bó chặt chẽ với cuộc sống và ngày càng chính xác hơn. Điều này không chỉ là xu thế trên thế giới mà ngành KTTV Việt Nam cũng đã đạt được mục tiêu này, thưa bà?
- Về công tác dự báo của ngành, trong những năm qua, được sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước cộng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ viên chức trong ngành, công tác dự báo KTTV đã có những tiến bộ lớn so với những năm trước đây. Nhờ ứng dụng được những công nghệ tiên tiến như vệ tinh, rađa thời tiết trong quan trắc  và mô hình dự báo số, công tác dự báo đã phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo phòng, tránh thiên tai cũng như sự phát triển kinh tế xã hội.
* Thông tin KTTV rất cần thiết đối với cuộc sống là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, việc hiểu và sử dụng sao cho các thông tin này có hiệu quả nhất cũng rất quan trọng?
Thông tin do ngành khí tượng thuỷ văn cung cấp cho những đối tượng sử dụng thuộc các ngành kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng và đại chúng có nhiều loại, nhưng rộng rãi và quan trọng nhất là thông tin dự báo khí tượng thuỷ văn. Ý nghĩa kinh tế-xã hội của chúng vô cùng to lớn, trước hết là đối với dự báo phục vụ công cộng phòng tránh thiên tai như bão, gió mùa đông bắc, lũ lụt, mưa lớn, hạn hán, rét đậm, rét hại, tố lốc.  Tiếp theo, dự báo khí tượng thuỷ văn phục vụ hoạt động chuyên ngành trong sản xuất và phát triển của các ngành kinh tế quốc dân như nông nghiệp, lâm nghiệp, hải sản, thuỷ lợi, thuỷ điện, giao thông đường thuỷ, đường bộ, đường hàng không, công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng, năng lượng than, dầu khí, an ninh quốc phòng, văn hoá du lịch và vui chơi giải trí,... Cuối cùng là những dự báo khí tượng thuỷ văn  hàng ngày phục vụ đại chúng.
Thực tế, bản thân thông tin khí tượng thuỷ văn không tự sinh lợi, lợi ích của thông tin khí tượng thuỷ văn chỉ có được thông qua người sử dụng. Lợi ích của một bản tin tốt phát ra rộng rãi còn phụ thuộc hai điều kiện: số người sử dụng và cách sử dụng của từng người. Giả thiết bản tin là tốt và có chất lượng. Trong điều kiện thứ nhất, thông tin khí tượng thuỷ văn phần nào giống với hàng hoá, càng nhiều người sử dụng thì lợi nhuận càng lớn. Nhưng trong điều kiện thứ hai, thông tin khí tượng thuỷ văn thể hiện những đặc điểm riêng: một bản tin khí tượng thuỷ văn tốt đối với cơ sở sản xuất lớn có thể mang lại lợi gấp nhiều lần so với cơ sở sản xuất nhỏ. Chẳng hạn, việc dự báo đúng mưa trong một thời điểm nào đó sẽ mang lại lợi ích rất nhiều cho việc đổ bê tông một công trình lớn so với lợi ích mang lại cho một người nông dân phơi thóc.
Những người làm công tác dự báo KTTV luôn nỗ lực hết mình để đưa ra được các bản tin dự báo đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng sử dụng. Tuy nhiên, để thông tin dự báo được sử dụng ngày càng hiệu quả thì ngoài việc mở rộng các loại hình dự báo, nâng cao chất lượng và tính kịp thời của dự báo thì công tác tuyên truyền và phổ biến kiến thức về KTTV cho cộng đồng cần được đẩy mạnh. Ngoài ra, ngành KTTV cũng cần bổ sung thêm một loại phục vụ là tư vấn để tư vấn cho người dùng trong việc sử dụng thông tin KTTV trong các ngành kinh tế xã hội. Làm được như vậy, thông tin dự báo KTTV sẽ mang lại lợi ích hết sức to lớn cho xã hội.
*Qua bản Thông điệp của ông Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng thế giới có thể vai trò rất quan trọng của thông tin khí hậu đối với công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Bà có thể nói rõ hơn vai trò này?
Trước những tác động của BĐKH, nước ta cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đang có những nỗ lực nhằm ứng phó với BĐKH và giảm nhẹ những tác động tiêu cực do BĐKH gây ra.
Xây dựng các giải pháp ứng phó với BĐKH là công việc phức tạp, đòi hỏi rất nhiều thông tin và công cụ khác nhau, trong đó thông tin KTTV là một thành phần quan trọng. Mọi kế hoạch hành động hoặc biện pháp ứng phó với BĐKH dù ở cấp nào cũng đều phải dựa trên các thông tin KTTV.
Đã từ lâu, các đặc trưng ổn định của khí hậu được sử dụng làm cơ sở cho các hoạt động của nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội như bố trí mùa vụ trong nông nghiệp, thiết kế công trình xây dựng và giao thông... Tuy nhiên, các đặc điểm khí hậu làm nền tảng cho những quyết định kinh tế xã hội như trên sẽ không còn thích hợp khi có BĐKH. BĐKH có thể tạo ra môi trường khí hậu chưa từng thấy trong lịch sử khí hậu đã được quan trắc. Hơn thế nữa, BĐKH xảy ra trong một thời gian dài cộng hưởng với những thay đổi kinh tế xã hội tất yếu xảy ra cũng sẽ làm thay đổi khả năng chống chịu của các lĩnh vực kinh tế hoặc các địa phương đối với những tác động của biến đổi khí hậu.
Trước những nhu cầu thông tin KTTV nhằm ứng phó với BĐKH, Tổ chức khí tượng thế giới đã thiết lập Khung toàn cầu phục vụ khí hậu (Global Framework of Climate Services - GFCS) như một khuôn khổ hướng dẫn tăng cường phục vụ khí hậu.
GFCS là một sự cộng tác toàn cầu của các chính phủ và các tổ chức cung cấp và sử dụng thông tin và dịch vụ khí hậu. Việc này tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu và các nhà sản xuất, sử dụng thông tin phối hợp để tăng cường phục vụ khí hậu cả về lượng và chất trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
GFSC có mục đích tạo ra những cải thiện không ngừng cho dự báo khí hậu và kịch bản biến đổi khí hậu để mở rộng việc truy cập đến thông tin và dự báo khí hậu tốt nhất. Các nhà làm chính sách, lập kế hoạch, các nhà đầu tư và cộng đồng những người tình nguyện cần thông tin khí hậu ở dạng thân thiện với người dùng để họ có thể chuẩn bị đối với những thay đổi và xu hướng dự kiến. Họ cần số liệu chất lượng tốt từ các cơ sở dữ liệu quốc gia cà quốc tế về nhiệt độ, lượng mưa, gió, độ ẩm đất và các điều kiện về đại dương. Họ cũng cần các giá trị trung bình và bản đồ đối với chuỗi số liệu lịch sử của các thông số này trong thời gian dài, các phân tích, đánh giá  rủi ro  và tính dễ bị tổn thương, các kịch bản và dự đoán dài hạn.
Các quốc gia vốn đang phải vật lộn với thiên tai như Việt Nam thì càng đặc biệt dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu cần khẩn cấp tăng cường năng lực của mình để ứng phó với các hiện tượng cực đoan như bão, lụt cũng như các xu hướng dài hạn như hạn hán, nắng nóng. Thông qua GFCS, chúng ta sẽ tiếp cận  và sử dụng tốt hơn với dữ liệu, thông tin khí hậu và tăng cường năng lực.
Tổ chức Khí tượng thế giới cũng khuyến cáo các nước thành viên tham gia GFCS và xây dựng Khung quốc gia phục vụ khí hậu. Nhận thức được tầm quan trọng của việc này, chúng ta cũng đang xây dựng các nhiệm vụ để tiến tới có một Khung quốc gia phục vụ khí hậu để hiểu biết về khí hậu thực sự là cơ sở để thực hiện các hành động ứng phó với BĐKH như chủ đề của Ngày Khí tượng thế giới năm nay-Khí hậu: Nhận thức để Hành động.